Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy xí nghiệp. Nhưng bọn chủ nghĩa tư bản trả lương cho họ rất rẻ mạt. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8 tháng 3 năm 1899, nữ công nhân ở Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đó là khởi nguồn cho các phong trào đấu tranh mạnh mẽ của phụ nữ lao động trên thế giới. Đại hội phụ nữ quốc tế lần thứ 2 họp tại Cô-pen-ha-ghen (Thủ đô Đan Mạnh) năm 1910 đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày "Quốc tế phụ nữ". Từ đó ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày hội truyền thống của phụ nữ toàn thế giới đoàn kết, đấu tranh để tự giải phóng và phấn đấu thực hiện mục tiêu Bình đẳng-Phát triển-Hòa bình.
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một chặng đường dài đầy gian nan, thử thách nhưng cũng đầy oanh liệt với những chiến công chói ngời của dân tộc Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của phụ nữ, khởi đầu là Hai chị em Trưng Trắc- Trưng Nhị. Sử cũ còn ghi: Hai Bà là con gái lạc tướng huyện Mê Linh - thuộc dòng dõi Hùng Vương vì nợ nước thù nhà Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa vào tháng 3 năm 40 trước Công nguyên. Lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng lên phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, người lãnh đạo khởi nghĩa là phụ nữ, xưng vương dựng nước cũng là phụ nữ. Chưa có một dân tộc, một quốc gia nào lại có được niềm vinh quang như vậy. Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về chúng ta lại kỉ niệm chiến công và sự hi sinh lẫm liệt của Hai Bà cùng các nữ tướng.
Tiếp bước truyền thống, phụ nữ Việt Nam đã có biết bao tấm gương sáng ngời với những phẩm chất cao quý về lòng trung thành với Tổ quốc, về tinh thần hy sinh dũng cảm, họ đã khẳng định rằng phụ nữ Việt Nam mềm nhưng không yếu, họ đã sát cánh với phái mạnh để đem lại những ngày huy hoàng của lịch sử dân tộc trong đó có những gương luôn luôn tồn tại và lưu luyến trong tâm hồn người Việt đó là Mẹ Suốt, là các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Định và biết bao nữ anh hùng, liệt sỹ mãi mãi là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam; tên tuổi của các chị được khắc ghi trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc và luôn gắn liền với lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam. Hàng năm có rất nhiều các gương phụ nữ tiêu biểu được nhà nước khen tặng và được vinh danh.
Đã từ lâu, người phụ nữ trở thành nguồn cảm hứng phong phú, bất tận cho văn học và nghệ thuật. Người phụ nữ không chỉ đại diện cho cái đẹp, không chỉ là nhân tố cho hạnh phúc của trái tim, của bếp lửa gia đình, của những tình cảm tô đậm cho cuộc đời thêm ý nghĩa, mà còn là đối tượng tập trung nhiều vấn đề trong nhiều thời đại xã hội khác nhau. Có người cho rắng: “Không có người phụ nữ thì không có văn học và nghệ thuật, và nếu không có bóng dáng người phụ nữ trong tác phẩm, thì tác phẩm ấy vô cùng buồn tẻ và đơn điệu”