Tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ

Thứ tư - 13/12/2023 08:00
Tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Kết mạc là lớp màng mỏng bao phủ mặt trong mi mắt và phần lòng trắng của nhãn cầu. Đau mắt đỏ là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc do virus Adeno gây ra. Bệnh thường xảy ra khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào cuối hè – đầu thu. Bệnh có khả năng lây lan mạnh nên có thể tạo thành dịch. Nhìn chung đau mắt đỏ là một bệnh lành tính, ít khi gây giảm thị lực tuy nhiên lại gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống của bệnh nhân. Một số trường hợp không điều trị đúng cách có thể để lại di chứng đáng tiếc cho đôi mắt.
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ?
Triệu chứng của đau mắt đỏ khá điển hình. Khởi đầu, bệnh nhân thường cảm thấy mắt hơi ngứa, cộm hoặc khó chịu nhẹ sau đó các triệu chứng đặc trưng của bệnh dần xuất hiện.
Đỏ mắt: là triệu chứng nổi bật nhất. Thông thường phần lòng trắng của mắt sẽ đỏ nhẹ trong 2-3 ngày đầu tiên sau đó đỏ nặng lên rõ rệt.
Mi sưng nề: nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ viêm. Một số trường hợp mi sưng nề nhiều đến mức bệnh nhân không thể tự mở mắt.
Nhiều ghèn dử: đây chính là chất tiết do quá trình viêm sản sinh ra. Chất tiết này bám vào lông mi, khi khô sẽ làm hai mi dính chặt vào nhau làm bệnh nhân rất khó mở mắt khi ngủ dậy.
Chảy nước mắt: do phản ứng viêm kích thích tiết nhiều nước mắt khiến bệnh nhân phải lau liên tục. Đôi khi mắt chảy dịch hồng do có ít máu hòa với nước mắt. Khi đó rất có thể mắt có giả mạc cần phải bóc đi để giảm phản ứng viêm.
Nhìn mờ : đau mắt đỏ ít khi gây nhìn mờ trừ trường hợp nặng hoặc khi có biến chứng như viêm giác mạc.
Đau nhức: đau mắt đỏ thông thường không gây đau nhức mà chỉ gây cộm vướng, khó chịu nhẹ. Nếu bệnh nhân đau nhức, cộm vướng nhiều cần cẩn trọng nguy cơ bị biến chứng viêm giác mạc.
Bệnh đau mắt đỏ có thể gây biến chứng gì?
Đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây biến chứng cho đôi mắt như:
- Viêm giác mạc: đây là biến chứng thường gặp nhất. Khi có viêm giác mạc, các triệu chứng sẽ nặng nề hơn: bệnh nhân đau nhức, cộm vướng và nhìn mờ. Thời gian điều trị cũng kéo dài hơn. Một số trường hợp virus ký sinh trong giác mạc gây ra nhiều đợt viêm giác mạc tái phát sau này.
- Loét giác mạc: đau mắt đỏ có thể làm tổn thương lớp biểu mô bảo vệ của giác mạc do đó nếu bội nhiễm vi khuẩn hay nấm sẽ gây loét giác mạc. Đây là một biến chứng vô cùng nặng nề làm giảm thị lực trầm trọng. Để phòng tránh biến chứng này cần giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, rửa mắt bằng nước muối sinh lý, không tự ý mua các thuốc chống viêm chứa corticoids để tra mắt.
- Sẹo kết mạc: quá trình viêm và các thủ thuật điều trị như bóc giả mạc có thể gây ra các vết sẹo trên kết mạc.
Điều trị viêm kết mạc cấp như thế nào?
Đỏ mắt là triệu chứng gặp trong nhiều bệnh mắt do đó viêm kết mạc cấp có thể nhầm với một số bệnh mắt khác như viêm màng bồ đào, loét giác mạc, viêm mủ nội nhãn,… Đây đều là những bệnh nguy hiểm cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Do đó khi bị đỏ mắt không nên chủ quan tự mua thuốc điều trị mà hãy đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa mắt.
Đau mắt đỏ là bệnh do virus. Kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn, không diệt được virus. Do đó điều trị bằng kháng sinh đường uống hay tiêm truyền đều không có tác dụng mà còn gây hại cho cơ thể. Kháng sinh tra tại mắt có thể được sử dụng để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus nên điều trị chủ yếu là làm dịu triệu chứng, đề phòng biến chứng và chờ đợi virus tự đào thải. Toàn bộ quá trình virus phát bệnh đến khi đào thải diễn ra trong khoảng 2 tuần. Do đó thời gian điều trị đau mắt đỏ thường kéo dài từ 2-3 tuần.
Một điều nữa bác sĩ cần cảnh báo đó là tuyệt đối không được tự điều trị đau mắt đỏ bằng các kinh nghiệm dân gian. Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra khi chữa đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa hay nước chanh vào mắt, xông mắt với lá trầu không hay rửa mắt bằng nước lô hội,… Hậu quả là bệnh nhân bị viêm loét giác mạc rất nặng nề làm mất đi thị lực.
Phòng bệnh đau mắt đỏ ra sao?
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan cho các thành viên trong gia đình và ra ngoài cộng đồng. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ mắt của người bệnh hoặc qua đường giọt bắn. Hiện tại không có thuốc nào có thể dự phòng được bệnh.
Để phòng bệnh một cách hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân, nhất là khăn mặt. Nếu đã bị một mắt thì nên rửa mỗi bên mặt bằng một khăn mặt riêng để tránh lây sang mắt còn lại.
- Hạn chế động tác day dụi mắt.
- Hạn chế tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
- Đeo khẩu trang.
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Bị đau mắt đỏ có phải kiêng ăn uống gì không?
Rất nhiều bệnh nhân cho rằng đau mắt đỏ thì không được ăn thịt gà hay đồ tanh. Tuy nhiên, chưa có một bằng chứng khoa học nào ủng hộ cho quan điểm trên. Các khuyến cáo dành cho bệnh nhân đau mắt đỏ hiện nay vẫn là ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế rượu, bia để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Vun đắp ước mơ
Bộ giáo dục và đào tạo
Mas
Vnedu
Phần mềm quản lý
Network and partners
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,019
  • Tháng hiện tại6,452
  • Tổng lượt truy cập593,192
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây